Sally Webb, phóng viên thời sự đồng thời là đạo diễn hình của BBC, chia sẻ những mẹo đơn giản nhưng hữu hiệu cho việc quay hình và biên tập một đoạn phim ngắn.
Xem thêm: Kỹ thuật quay phim cho người mới bắt đầu
Sau đây là tóm tắt vài mẹo của phóng viên thời sự đồng thời là đạo diễn hình của BBC, Sally Webb, về cách quay phim.
Cỡ hình
- Để biên tập một đoạn phim, bạn cần rất nhiều cảnh mà chủ thể được quay với những cỡ hình khác nhau.
- Cỡ hình của chủ thể khác nhau sẽ thể hiện thông tin khác nhau, cho dù đó là những thông tin cho thấy người trong hình đang ở đâu, đang làm gì, họ là ai, hoặc họ đang nghĩ gì.
- Nếu bạn đang nói về một ai đó, bạn muốn thấy người đó.
- Trước hết, bạn hãy học những từ viết tắt của các cỡ hình nhé.
XLS – Extreme long shot (Cảnh cực kỳ xa)
Dùng cho địa hình. Chủ thể được quay không xác định được.
VLS – Very long shot (Cảnh quay rất xa)
Hậu cảnh là chính. Chủ thể được quay chiếm độ 1/3 chiều cao của khung hình.
LS – Long shot (Cảnh quay xa)
Chủ thể được quay chiếm toàn bộ khung hình, nhưng trọng tâm vẫn là hậu cảnh.
MLS – Medium long shot #1 (Trung cảnh xa #1)
Cảnh quay xa tầm trung, dưới đầu gối. Cỡ hình này thường phù hợp khi quay chủ thể đang cử động, nhằm mô tả hoạt động của họ.
MLS – Medium long shot #2 (Trung cảnh xa #2)
Cảnh quay xa tầm trung trên đầu gối. Cỡ hình này rất phù hợp khi diễn tả hoạt động khi chủ thể đứng tại chỗ.
MS – Mid shot (Trung cảnh)
Cỡ hình của cảnh quay này cắt ngang đoạn dưới bả vai. Phù hợp cho các đoạn phỏng vấn.
CU – Close up (Cận cảnh)
Cắt ngang dưới cằm. Dùng để chiếu nhân vật đó là ai và họ đang nghĩ gì.
BCU – Big close-up (Cận cảnh to)
Cắt ngang phần lông mày và cằm. Kịch tính nhưng có thể không tự nhiên.
XCU – Extreme close-up (Cận cảnh cực kỳ gần)
Chỉ tập trung vào mắt và mũi.
Góc quay
Hãy dùng các góc ảnh để tạo chiều sâu. Do đó, đừng quay thẳng trực tiếp mà hãy quay từ góc chéo.
Ngoài ra còn một số nguyên tắc sau:
- Tránh quay những vết nhăn từ trán của người được quay.
- Tránh quay các đồ vật như thể chúng được mọc ra từ đầu của người ta.
- Hãy dùng khung hình để tạo kỳ vọng cho người xem, dùng nó để hỗ trợ vào việc kể chuyện của mình.
- Hãy bố cục hình theo quy tắc 1/3.
- Hãy xem xét chiều cao, vị trí, góc độ khi bạn sửa soạn máy quay.
- Khi bạn thay đổi khung hình cảnh quay và muốn hình không bị “nhảy” (tức hình bị thay đổi, giật đột ngột khiến người xem cảm giác như thiếu tính liên tục kết nối trong đoạn hình đó, bởi một đoạn hình ở giữa hai khung hình đó đã bị cắt bỏ vụng về) thì hãy thay đổi góc quay.
Ống kính
Hầu hết các máy quay phim đều có các ống kính với chức năng zoom cơ bản, cho phép bạn quay được góc ảnh rộng, hoặc cảnh quay cận hình (zoomed-in telephoto), hoặc bất kỳ các thể loại nào khác dao động giữa xa và gần.
Hãy dùng ống kính với góc ảnh rộng để:
- làm các vật được thu hình trông nhỏ hơn và xa hơn
- thu nhiều chi tiết và hậu cảnh
- tạo ra một hành động kịch tính
- làm phòng nhỏ trong có vẻ rộng hơn
Hãy dùng ống kính với góc ảnh hẹp để:
- làm các vật được thu hình trông lớn hơn
- giảm hậu cảnh trong cảnh quay
- thay đổi điểm nhấn từ vật này qua vật khác
- giữ cho một vật nào đó đang cử động trong khung hình có vẻ lâu hơn
- giảm khoảng cách giữa các vật được quay
- quay một buổi phỏng vấn không tập trung vào hậu cảnh
Vượt đường ranh
- Như thế nào là đường ranh… và tại sao không nên vượt qua nó?
- Một đường ranh được tạo thành từ hai điểm. Nó có thể là:
- hướng chuyển động của một vật gì đó (chẳng hạn như xe lửa trên đường ray)
- đường nối giữa hai ánh mắt nhìn nhau (như trong cảnh phỏng vấn)
- đường từ một người đang di chuyển về hướng một vật nào đó (một chiếc xe hơi chẳng hạn)
- Hãy tưởng tượng mặt bằng nơi bạn chuẩn bị quay phim được cắt thành hai phần bằng một đường thẳng, tạo thành hai góc 180 độ. Bạn sẽ chỉ ghi hình trong phạm vi một góc 180 độ mà thôi, và bạn phải quyết định mình sẽ quay phim từ phía nào của 180 độ đó. Một khi đã quyết định rồi và đã quay xong cảnh quay rộng từ một phía thì bạn phải quay các cảnh quay xa, trung và cận cảnh từ cùng phía đó mà thôi. Nếu không, bạn sẽ làm khán giả lúng túng vì thường những cảnh quay vượt đường ranh trông không hợp lý lắm.
Di chuyển máy quay
Có một số cách di chuyển máy quay phim tốt. Đó là:
- Di chuyển lên hoặc xuống
- Quay ngang từ trái qua phải (hoặc ngược lại)
- Di chuyển máy quay phim theo cử động của vật được quay. Bạn có thể dùng đường vẽ sẵn hoặc để máy quay trên vai (hoặc tay), hoặc tùy cơ ứng biến.
- Hãy giữ yên một cảnh trong vòng ít nhất 5 giây ở đầu và cuối, để cho người biên tập có nhiều khả năng chỉnh sửa hơn.
Nên tránh những thao tác sau:
- Nếu zoom vào thì bạn làm thay đổi góc cảnh đang quay. Thường trông những cảnh này không tự nhiên lắm, cho nên bạn nên hạn chế, đừng lạm dụng.
- Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, nên biết rõ lý do đằng sau mỗi bước di chuyển của máy quay phim.
Tổng hợp làm phim
Bạn đừng bao giờ quên trình bày tóm tắt rõ ràng trước cho chính bản thân mình hoặc người quay phim biết phải làm những gì trước khi bấm máy. Nhưng cũng phải để ý mấy thứ khác như:
- Hãy bắt đầu và kết thúc với một khung hình rõ
- Quay một hành động với nhiều cỡ hình khác nhau để dễ biên tập hơn
- Hãy để ý đến tính liên tục (chẳng hạn như người ta đang dùng tay nào, đồ vật được bày trí như thế nào, trông người ta ra làm sao)
- Hãy thay đổi kích cỡ cảnh quay, thay đổi góc quay.
- Bạn sẽ không bao giờ có đủ các cảnh quay cận cảnh và các cảnh khác để đưa vào – do đó hãy nghĩ đến việc dùng các đoạn quay cận cảnh để tiết kiệm thời gian.
Và hãy dùng trí tưởng tượng của mình, nếu bạn có một ý tưởng nào đó thì hãy nghĩ, tại sao không chứ?
Theo Học viện Báo chí BBC